Đình Làng - một nét đẹp văn hóa của làng quê Việt Nam

Chủ nhật - 24/09/2023 22:23
Trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam, Đình làng không chỉ là một địa điểm tâm linh mà còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng. Đình làng không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, mà ở đó còn là không gian sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng.
Đình Làng - một nét đẹp văn hóa của làng quê Việt Nam
Đình Làng Bảo Trì
Phần mở đầu
      Đình làng là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng ra đời từ thời Lê Sơ, đánh dấu một bước phát triển của cơ cấu làng xã cổ truyền.
     Đình làng Là nơi vị thần được thờ cúng là Thành Hoàng làng, vị vua tinh thần, thần hộ mệnh của làng, là trụ sở hành chính - nơi mọi công việc về hành chính của làng đều được tiến hành ở đó. Từ việc xét xử các vụ tranh chấp, phạt vạ, khao vọng, từ thu tô thuế đến việc bắt lính, bỏ các xuất phu đinh. Chủ thể tiến hành các hoạt động hành chính ở đình làng là các vị có chức danh Chánh tổng, Lý trưởng, Phó lý, Trưởng tuần và các viên quan của Hội đồng hương kì, kì mục. Cơ sở để giải quyết các công việc của làng được dựa vào lệ làng hoặc hương ước, Cũng là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cả làng. “Cây đa, bến nước, sân đình” đã đi vào tâm hồn của người dân quê.  Đỉnh cao của các hoạt động văn hóa ở đình làng là lễ hội. Làng vào hội cũng được gọi là vào đám, là hoạt động có quy mô và gây ấn tượng nhất trong năm đối với dân làng. Ở các làng quê Việt Nam còn có hội chùa, hội đền nhưng phần lớn là hội làng được diễn ra ở đình làng gắn với đời sống của dân làng.
      Xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc trước đây có các làng được lập lên theo dòng lịch sử gồm: Làng Hồng Quần,  Làng Chăm, Làng Bảo Trì thuộc tổng đặng xá Huyện Nghi Lộc, Xung quanh xã Nghi Thạch còn có các làng Thiên Lộc, Làng Kim Ổ, làng Tiên Động, Làng Nho Quan…. Mỗi Tên làng đều có một ý nghĩa riêng, và được nhiều người dân từ nhiều vùng miền về khai hoang lập ấp.
Hiện nay, xã Nghi Thạch có 03 làng: Xuân Đình, Lập Thạch và Bảo Trì (Vĩnh Trinh).
      Làng Bảo Trì thuộc xóm 8 xã Nghi Thạch, Sở dĩ có tên là Bảo Trì bởi vì người dân trong làng chủ yếu dân sở tại cho nên gọi là Bảo Trì gồm người dân thuộc các dòng họ: Họ Trương, Họ Phạm, Họ Đặng, sau này có thêm Họ Lê, Họ Võ, Họ Mai, Họ Nguyễn.
Giới thiệu về Làng Bảo Trì
Lịch sử hình thành Làng Bảo Trì
     Theo Đại Việt thông sử: Nguyễn Xí là con trai của Nguyễn Hội, truyền thuyết kể lại rằng: Nguyễn Hội bị cọp bắt ăn thịt, sau đó vùi xác Nguyễn Hội vào nơi huyệt phát cho nên họ Nguyên Xí đại phát, các con, cháu đu làm đến hàng dang tướng của 5 đời Vua. Nguyễn Xí là công thần của 5 đời vua (Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân tông, Lê Nghi Diên, Lê Thánh Tông). Nguyễn Xí được cấp lãnh địa vùng đất Nghệ An trong đó có vùng đt Cửa Lò, Cửa Hội khoảng 5.000 đến 6.000 mẫu đất, trước đây do hình thành sông Lam và sông Cm, cho nên có nhiều đầm phá, bãi bồi (hiện nay bãi bin Cửa Lò đã được bồi đp hơn 2km so với trước đâỵ) Nguyễn Xí sử dụng tù binh, hàng tướng, hàng binh của Chiêm Thành cho khai phá đất đai canh tác, lập làng. Một số làng được hình thành như: Phá Bàu (Bàu sen, làng Kim Ổ bây giờ), Phá Đồng Trung (Bàu Chày - Khu Đồng Trung làng Bảo Trì bây giờ). Các vùng đất này, Nguyễn Xí giao cho con trai là Nguyễn Trọng Đạt cai quản. Các hàng tướng, hàng binh người Tàu (lập nên làng Hồng Quần), các hàng binh, hàng tướng người Chăm Pa (lập nên làng Chăm), các hàng binh, hàng tướng Chiêm Thành khai khẩn làm ăn, lập một số làng như Lập Thạch, Xuân Đình. Các làng tồn tại cho đến ngày nay.
Làng Bảo Trì gồm 2 xóm: Trung Khánh và Đại Cừ. Nay thuộc Xóm 8, xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Cách thành phố Vinh khoảng 15km về phía Đông Bắc.
Xã Nghi Thạch trước đây có các làng: làng Hồng Quần, làng Chăm, làng Bảo Trì (có th tên làng Bảo Trì chủ yếu là dân sở tại cho nên gọi là Bảo Trì), thuộc Tổng Đặng Xá, huyện Nghi Lộc. Xã Nghi Thạch ngày nay có 3 làng: Xuân Đình, Lập Thạch và Bảo Trì.
Lịch sử xây dựng đình làng Bảo Trì
     Ngôi đình Bảo Trì được xây dựng từ Thế kỷ XVIII, lúc đầu lợp tranh, đến năm 1936 - 1937, dân làng công đức tiền bạc làm lại do tốp thợ xã Xá Lĩnh (Nghi Xá) thi công, gỗ mua ở Bến Thuỷ, đình Bảo Trì, toạ Bắc hướng Nam (mặt hướng về phía Nam); địa điểm xây dựng đình làng là vùng đất Tụ Linh (Địa Linh, nhân kiệt). Nhìn về phía Tây Nam có hòn đá nổi lên theo sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch chép: “Núi Lập Thạch ở xã Đặng Điền, huyện Chân Lộc, đột xuất nổi lên giữa một bãi cát bằng, dáng cao thẳng kỳ diệu, chân núi có cửa động to, hang bé, hẹp gọi là núi Lập Thạch (tên làng Lập Thạch là từ tích này). Trong động có hai có chữ “Thần Hiệu”.Tương truyền thời xưa đã có người đã thắp 17 ngọn nến đi vào trong hang núi mà chưa đến tận cùng.
Về phía Nam có các hòn đá cao, thấp so le liên tiếp thành hàng. Trong đó có một hòn đá trội hơn rất giống hình người gọi là đá người Tiên, có khối đá hình bàn cờ, truyền thu
yết kể lại thường thấy tiên xuống đánh cờ nên gọi là Tiên Động (tên làng Tiên Động, xã Nghi Phong là tích này).                       
Phía Tây có một hồ nước thông với biển nên gọi là “Hải Thuỷ”. Đốc Đồng ở làng Đặng Điền có thơ rằng:
Trời cho Nhà ta hai quả núi làm của tư

Bể Tiên nguy nga, nhòm xuống phiến đá, ngồi câu cá
Cửa sổ để uống nước chè, giường để uống rượu
Đài để đánh đàn, bàn để đánh cờ
Có ngôi đình để chứa trăng, nghiên mài mực
Có giá sách để cất sách, vách để làm thơ
Mai đây trả xong nợ cung tên
Bấy giờ sẽ cưỡi Lừa theo bầu rượu, túi thơ
(Theo Nghệ An Ký Bùi Dương Lịch. NXB Khoa học Xã hội Hà Nội năm 1993, trang 142, 143).
Núi Tiên Động rất giống hình người nên gọi là “Trượng Nhân Phong”, xung quanh những hòn đá nhô lên như học trò ngôi học với bút nghiên gọi là Thạch Động. (Theo Lebreton tác giả An cổ Lục)
Đình làng Bảo Trì trước đây có cây Má cổ thụ, có cây Đa, có Phi lao, nhiều cây ổi xanh tốt sum xuê quả ngọt, tạo nên một khu cổ kính, linh thiêng, là nơi sinh hoạt tâm linh của dân làng.                       
Đình Bảo Trì có bến nước, sân đình, có ao làng trước mặt đình rộng khoảng 500m2, khu Đồng Trung là khu ruộng công điền của làng (ruộng hương hoả của đình) cho đến khi vào Hợp tác xã năm 1960.
Những kiến trúc đặc sắc của Đình Làng Bảo Trì
     Đình làng Bảo Trì có hai Toà gồm: Hạ đình nối tiếp với Thượng điện và Hậu Cung theo hình chữ đinh (chữ T ngược). Phía trước có cng Tam Quan, trên cột cng chính có 2 con Nghê chầu lại, tường gạch xây bao xung quanh. Sân đình có Tắc Môn đắp nổi hình hổ phù tượng trưng cho uy quyền của Thành Hoàng và các đấng Thần Linh.
- Hạ đình có 3 gian, 2 hồi (chải), kiến trúc theo kiểu nhà Tứ trụ vững chắc, dài 11,50m; rộng 4,5m; có 14 cột gỗ lim kê chân trên các hòn đá tảng hình vuông. Các vì kèo cong, ở gian giữa có 2 cột bng làm cho mái đình thêm vững chãi, mái lợp ngói âm dương (ngói vảy). Bốn đốc đầu đao như 4 đuôi chim phượng cong vút, tạo thế đình tuy thấp nhưng mà cao. Trên nóc đình có “Lưỡng Long chầu nguyệt” (Hai con Rồng chầu trăng ở giữa). Mặt trước có cửa gỗ bằng lim. Hai bên cửa Hạ đình có đắp nổi tả quan Văn, hữu quan Võ rất oai nghiêm.
Nội thất Hạ đình có bức Hoành phi Đại tự sơn son thiếp vàng “Vạn Phúc Du Đồng” (Vạn phúc đưa đến cho cộng đồng). Có hai câu đối:
Luỹ Triều phục quốc đế gia phong Sát tặc thù dân Thần Bản Cảnh (Dịch nghĩa: Các cụ Tổ có công phục vụ Tổ Quốc. Các vị Thần Bản Cảnh có công đánh giặc cứu dân).         
Đình làng Bảo Trì là Trụ sở hành chính của làng,:từ rước xách, hội hè, họp việc làng, xử kiện tụng có những quy củ nhất định, bậc Hương lão, Hương lý ngồi chiếu giữa đình, thấp hơn ngồi chiếu hai bên, dân làng ngồi ngoài sân.
Thượng điện và Hậu cung được xây dựng (bằng vật liệu mới của năm 1937) cột, kèo xà bằng bê tông cốt thép, mái bằng các tấm đan bê tông, có các ô kính chiếu sáng tự nhiên. Khi chúng ta vào trong Thượng điện ánh sáng tự nhiên chiếu lung linh, huyền bí. Tường được xây bằng đá, gạch, đất sét, vôi vữa dày 0,40-0,60m cho nên về mùa Hè thì mát về mùa Đông thì ấm áp. Xung quanh tường có các bức hoạ vẽ trực tiếp lên tường bằng sơn rất đẹp như hình Rồng, hình Phượng nhả ngọc, phun châu. (Đẹp như lăng vua Khải Định) đa phần bị hư hỏng, hiện nay còn lại một ít.
Thượng điện có 3 gian thờ dọc tiếp giáp với Hạ đình dùng để hương án, long ngai, kiệu rước, tàn, lọng, Thập nhị bảo khí. Kiệu được chạm trổ, sơn son thiếp vàng, có 2 con Rồng dài 6m, miệng ngậm ngọc phun châu.
Hậu cung liền khối với Thượng điện nhưng được tách ra chia làm 3 ô đặt long ngai, bài vị thờ Thành Hoàng làng (danh tướng Nguyễn Trọng Đạt) và thờ 2 vị Thần giám hộ rất uy nghiêm. Khu Hậu cung được lắp kính trắng trong suốt, khi lễ hội mới mở ra. Bài vị Thành Hoàng và 2 vị Thần giám hộ được đặt trong cửa kính.
Khuôn viên Đình làng Bảo Trì
Cảnh quan khuôn viên Đình làng Bảo Trì
Những ngày Lễ hội Làng
     Lễ hội làng Bảo Trì thật tưng bừng náo nhiệt. Lịch lễ vào các ngày 10, ngày Rằm tháng Giêng, Rằm tháng 7, Rằm tháng 10. Đặc biệt ngày 10 tháng Giêng là ngày Khai Hạ là ngày lễ cúng Thần Nông. Trước đình làng có treo 3 cờ đại, 15 cờ xéo, trống, chiêng náo nhiệt cả một vùng. Làng rước Hội đồng với kiệu, tàn, lọng, thập nhị bảo khí. Hội Bát âm và đông đảo dân làng Hồng Quần, làng Chăm cùng về đình làng Bảo Trì dự tham gia chấm thi, thường thường kiệu làng Bảo Trì đứng thứ nhất, phần thưởng được 3 quan tiền đồng. Ban đêm sân đình làng tổ chức diễn Tuồng Trưng Trắc, Trưng Nhị, hát ca Trù. Hội trò của làng Bảo Trì cùng hội Tuồng làng Thiêm Lộc, làng Kim Ổ (Nghi Hương) do các ông Nguyễn Văn Minh, Phạm cầm chủ vai (cho nên dân làng mới có câu hát vui: cha con ông cu Minh sang cướp đền Trì, bị ông Hoe Điểng một phen mất mạng).
Đình Làng Bảo Trì trong trong thời kỳ chiến tranh
     Năm 1930 - 1931 cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lên cao. Chi bộ Đảng làng Xuân Đình, làng Bảo Trì bắt Lý trưởng trói vào cây đa đình làng Bảo Trì cảnh cáo về tội làm do thám cho địch, sau đó Lý trưởng cam đoan không tái phạm, phản bội lại dân làng mới được tha. Những năm 1930 - 1931 tiếng trống Xô Viêt Nghệ Tĩnh vang khắp mọi miền xứ Nghệ thì trống đình làng Bảo Trì cũng thúc dục, giục giã dân làng xuống đường biểu tình giành chính quyền Xô Viết về tay nhân dân. Từ ngày 15 đến 24 tháng Giêng năm 1931 nhiều cuộc biểu tình của nhân dân xã Nghi Thạch diễn ra tại cồn Kỳ Trành (Văn Trung), phát động quần chúng làm Cách Mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền Xô Viết. Xã Nghi Thạch và làng Bảo Trì cùng các làng khác thực chất đã giành đứợc chính quyền Xô Viết về tay nhân dân từ những năm này.                       
      Khi Cách Mạng thoái trào, địch quay lại đàn áp khốc liệt, địch bắt các ông Võ Văn Kiểu, Võ Văn Diếu, Võ Văn Thơi (Liệt sĩ chống Pháp) đánh đập rất dã man tại đình làng Bảo Trì, tra hỏi tìm các tổ chức Cộng sản. Địch tra hỏi tại đình làng Bảo Trì không được chúng đưa lên huyện giam. Chúng kết án tù cùng với 9 cán bộ, đảng viên là: ông Nguyễn Đình Khoan, Nguyễn Xuân Tùng (tức Bá), Nguyễn Đình Bổng (tức Trì), Nguyễn Khắc Minh, Nguyễn Duy Cung, Nguyễn Đình Điểm, Nguyễn Đình Khai, Nguyễn Văn Thiếu. B giam một thời gian, địch không khai thác được gì, địch trả về như ông Nguyễn Đình San, Võ Văn Kiểu ở làng Bảo Trì.                       
Đình làng Bảo Trì là nơi các nhà hoạt động Cách Mạng thường đi về hội họp dưới dạng thắp hương thờ cúng tâm linh để che mắt địch như: cố Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Duy Trinh (1910 - 1985) và cố Trung tướng Nguyễn Đôn hoạt động bí mật, nhiều cuộc họp bí mật của các tổ chức Cộng sản ở Nghệ An được 2 ông tổ chức họp tại đình làng Bảo Trì dưới dạng thờ cúng tâm linh. Đình làng Bảo Trì được các tổ chức Cộng sản liên lạc, hội họp là vì Lý trưởng cũng như dân làng đồng tâm bảo vệ che chở, là nơi liên lạc an toàn của các t chức Đảng cộng sản ở Nghệ An. Các nhà Lãnh đạo, các tổ chức Đảng được dân làng đào hầm bí mật che chở đùm bọc, các ông vn sng trong lòng địch hoạt động nhưng địch không phát hiện được cho đến ngày Cách Mạng tháng Tám năm 1945 thành công.
      Ngày 25 tháng 8 năm 1945 hoà trong khí thế chung cả nước, toàn tỉnh, toàn huyện nhân dân các làng Xuân Đình, Lập Thạch, Bảo Trì xã Nghi Thạch tập trung tại đình làng Bảo Trì mít tinh. Tự vệ đỏ bắt Chánh Tổng, Lý Trưởng, đem mộc triện, sổ sách tại đình làng Bảo Trì giao cho Cách Mạng, chấm dứt 80 năm nô lệ lầm than. Cách Mạng tháng Tám năm 1945 thành công ở xã Nghi Thạch đã đem lại độc lập cho người dân nơi thôn dã.
Đặc biệt sau khi giành được độc lập, đất nước gặp nhiều khó khăn về tài chính, hưởng ửng lời kêu gọi của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã phát động tuân l vàng, kêu gọi mọi người ủng hộ ngân sách cho Quốc gia. Đình làng Bảo Trì là nơi tập trung dân làng hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Lâm thời và đã quyên góp nhiều vàng, bạc, tiền Đông Dương cho Chính phủ.
      Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ những người con làng Bảo Trì lớp lớp người tham gia kháng chiến. Trước khi lên đường tham gia dân công hoả tuyến, Thanh niên xung phong, tòng quân nhập ngũ bảo vệ Tổ Quốc đều đến thắp nén hương thơm dâng lên các bậc Tiền bối, nguyện lập dược nhiều chiến công.
      Đình làng Bảo trì trước đây rất linh thiêng phù hộ, che chở cho dân làng luôn được bình an. Tuy nhiên, từ năm 1960 Hợp tác xã lấy làm kho chứa phân Đạm, xác bã mắm rất uế tạp, gây hư hỏng nặng. Trong thời gian này có người tâm thần tên là Phạm Thị Châu không nơi nương tựa vào sống trong đình Bảo Trì phá nát Thượng điện và Hậu cung các Long ngai, bài vị làm củi đun nấu, nội thất đình làng như một đống hoang tàn đổ nát.
      Năm 1997 Hương tử Vũ Đức Hoài được các Thần Linh, Thành Hoàng làng Bảo Trì mách bảo: Đình làng làng Bảo Trì rất linh thiêng cần khôi phục lại. Hương tử Vũ Đức Hoài đã về lại quê nhà tìm trong đống hoang tàn đổ nát đó được một Bài Vị sứt mẻ, cháy dở (nay là 1 trong 3 Bài vị) đưa vào Hậu cung thắp hương xin lỗi Thành Hoàng về sự mạo phạm Thần linh. Từ đó, dân làng tiếp tục thắp hương cầu xin Thành Hoàng ban lộc, ban phước cho dân làng ngày một đông. Xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt tâm linh của dân làng Bảo Trì, Hương Tử Vũ Đức Hoài là người đầu tiên quyên góp tiền bạc công đức được Bí thư Chi bộ Trương Văn Hải, Trưởng thôn Võ Vãn Hương hưởng ứng vận động dân làng khôi phục lại đình Bảo Trì. Việc khôi phục lại đình làng Bảo Trì là nhờ sức người, sức của của dân làng Bảo Trì dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, củạ Trưởng thôn và một sô nhà doanh nghiệp hảo tâm như: Trương Công Lưu, Nguyễn Gia Vinh (con rể làng Bảo Trì) nhiều người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như ông Võ Văn Thoan, ông Võ Văn Bình.. .có nhiều tâm huyết khôi phục lại đình mới được như ngày nay.
      Đình làng Bảo Trì là nơi sinh hoạt tâm linh, thờ cúng Thành Hoàng làng (Thượng điện và Hậu cung) của dân làng. Hạ đình làm nhà Văn hoá Xóm 12 kinh phí nhà Văn hoá một phần do cấp trên đầu tư và dân làng đóng góp. Hiện nay, dân làng đang đề nghị tỉnh Nghệ An công nhận đình làng Bảo Trì là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhà Văn hoá Xóm 12 sẽ xây dựng ở một vị trí khác để trả lại toàn bộ khuôn viên cho đinh làng Bảo Trì
Hạ đình được dân làng tu sửa làm nhà Văn hoá Xóm 12 nhưng không được như nguyên bản ngày xưa, ngói đã thay lại ngói Tây, hai chái bị rút ngắn lại. Thượng điện và Hậu cung nội thất, đồ thờ cúng mất mát rất nhiều, riêng mái lợp các tấm đan bê tông của Thượng điện và Hậu cung bị dột nát nay đã dán lại ngói vảy để chống dột, đắp lưỡng long chầu nguyệt, sơn sửa lại Thượng điện và Hậu cung, mua sắm một số đồ thờ cúng mới.
      Đình làng Bảo Trì tuy không lớn, nhưng là hồn quê gửi gắm tình cảm của bà con quê nhà đi làm ăn phương xa luôn nhớ về mảnh đất có cây đa, bến nước, sân đình, biết bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ để mà thương mà nhớ trong mỗi độ Tết đến Xuân về.
Văn hoá đình làng nói chung, văn hoá đình làng Bảo Trì nói riêng là văn hoá dân gian là nét đẹp văn hoá thuần Việt là di sản quý báu của dân tộc ta, cần được giữ gìn và phát huy.
  • Một số ý câu chuyện truyền miệng của các cụ trong làng.
  • Thần phả đình Làng Bảo Trì
      Làng Bảo Trì hình thành do danh tướng Nguyễn Trọng Đạt. chức Quản lĩnh vệ Tuần Vũ (con trai thứ 9 của Cương Quốc Công Nguyễn Xí) là người có công lập nên hai trại cải tạo tù binh, hàng tướng, hàng binh của Chiêm Thành và Chăm Pa khai khẩn đầm phá, khai canh lập làng. Danh tướng Nguyễn Trọng Đạt đã có công lập nên 2 làng gồm: Phá bàu Ổ (Bàu Sen làng Kim bây giờ) và phá Đồng Trung (Bàu Chày - Đồng Trung làng Bảo Trì bây giờ).
      Nhớ đến công đức lớn lao của danh tướng Nguyễn Trọng Đạt là người có công lập lên làng Bảo Trì, dân làng Bảo Trì lập đình làng Bảo Trì trên vùng đất Tụ Linh (Địa linh nhân kiệt). Tôn danh tướng Nguyễn Trọng Đạt làm Thành Hoàng làng Bảo Trì. Đồng thời rước hai vị Thần Tả, Hữu cùng làm Thành Hoàng làng Bảo Trì làm giám hộ. Vì vậy, mới có 3 vị Thành Hoàng thờ cúng như ngày nay. Hai vị Thần giám hộ có Bài vị là:
      Phấn Anh linh ứng hoạt Đại Vương, tiền Quốc tử Đại Vương, Tôn Thần vị tiền, phụng kim thời sắc phong, dực bảo Trung Hưng, hàn lâm viện bộ Hộ thị lang bản.
Phong vạn linh ứng hoạt Đại Vương, quốc tử hào sinh. Đại Vương Tôn Thần vị tiền phụng kim thời sắc phong, dực bảo Trung Hưng, cải tổ Hình bộ Lô tử khanh.
Ba vị Thành Hoàng được đặt trong 3 ô kính Hậu cung. (Trong 3 vị Thành Hoàng làng có một Bài vị sứt mẻ do Hương tử Vũ Đức Hoài tìm được trong đống đổ nát để thờ, một bài vị do họ Trương trả lại đình làng, còn một Bài vị mất không tìm được dân làng mua mới).        
 

     Với mỗi người dân Việt Nam nói chung và người dân xứ Nghệ nói riêng, Thành Hoàng là vị thần che chở, giúp đỡ, phù trợ về đời sống tinh thần, điểm tựa tâm linh. Đình làng xưa kia không chỉ là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng của làng mà mỗi gia đình khi có việc hệ trọng đều ra đình cầu xin thành hoàng phù trợ. Thành hoàng thuộc về thế giới tâm linh với quyền uy siêu nhiên. Vì có công mà được Nhân dân suy tôn, gửi gắm sự kỳ vọng chở che, phù trì bảo hộ. Thông qua việc thờ phụng thành hoàng làng và những sinh hoạt làng xã tại đình làng đã góp phần cố kết, tạo mối liên hệ mật thiết trong cộng đồng dân cư.

     Có thể nói, đình làng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, biểu tượng quyền lực làng xã xưa, mà còn là một nét đẹp độc đáo trong văn hóa làng xã Việt Nam. Trong tâm thức của người Việt, “cây đa, bến nước, sân đình” là hình ảnh thân thuộc, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là biểu tượng của quê hương, đất nước. Đình làng là một di sản phi vật thể và vật thể vô giá cần được lưu giữ và bảo tồn.

     Trải qua bao cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, từ chống phong kiến, đến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, đình làng Bảo Trì là nơi khơi dậy lòng yêu nước, nơi thế hệ sau nhớ đến những người đã có công giữ nước, khai thôn lập làng. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đang đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa và Thể thao tiến hành xếp hạng di tích Đình làng Bảo Trì là Di tích Lịch sử cấp Tỉnh. Việc đề nghị công nhận Đình làng Bảo Trì là Di tích lịch sử chính là nguyện vọng của dân làng, hợp với ý Đảng và lòng dân./.
Nguồn sưu tầm: Họ Trương Như (Biên soạn: Trương Như Hải, Trương Công Giáp)

Tác giả bài viết: Trương Công Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 41 trong 9 đánh giá

Xếp hạng: 4.6 - 9 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
maps 1
Dịch vụ công trực tuyến
Công báo nghệ an
Thư điẹn tử
Thông tin người phát ngôn
Thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật
Thông tin doanh nghiệp, cơ hội đầu tư
Thông tin các dự án và các hạng mục đầu tư
Quản lý văn bản
Thống kê
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay1,447
  • Tháng hiện tại2,957
  • Tổng lượt truy cập334,112
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây