DÒNG HỌ NGUYỄN BẰNG - XÃ NGHI THẠCH

Thứ ba - 12/09/2023 01:40
Dòng họ Nguyễn Bằng – xã Nghi Thạch được công nhận Dòng họ Văn hóa năm 2012.
DÒNG HỌ NGUYỄN BẰNG - XÃ NGHI THẠCH
   I . Sơ lược lịch sử Dòng họ Nguyễn Bằng - xã Nghi Thạch
 1 . Về sự ra đời
        Vào tháng 02/1967, do bom Mỹ làm sập nhà thờ nên gia phả bị hỏng, không khôi phục lại được. Qua việc thu thập thông tin từ sổ sách ghi chép của các cụ cao niên, từ các nhánh họ ở Diễn Quảng, Diễn Châu, tra cứu từ gia phả Dòng họ ở chi 2 (thành phố Vinh, Nghệ An) thì Dòng họ Nguyễn Bằng ở làng Xuân Đình xuất hiện vào thế kỷ XIII. Theo ghi chép thì Đức Tổ và hai người con trai  đều là tướng quân thời đầu Nhà Nguyễn, cầm quân đánh nhau với quân Xiêm. Do thế trận không cân bằng, quân ta thua trận, bị quân giặc truy đuổi. Con cháu các ông chạy về hướng Bắc, trong đó có ông Nguyễn Bằng Thành ( là con cả của tướng quân Nguyễn Bằng Minh) đến định cư tại làng Xuân Đình và phát triển Dòng Họ Nguyễn Bằng tại đây.
2. Gia phả Dòng họ
       Gia phả lấy đời hai con trai của Đức Tổ là Nguyễn Bằng Minh và Nguyễn Bằng Đăng làm đời thứ nhất. Đến nay, Dòng họ Nguyễn Bằng ở Nghi Thạch đã có trên 10 đời.
       Từ năm 1999, dòng tộc đã thành lập Ban ghi chép lại Gia phả. Năm 2002 thì hoàn thành bản sơ khảo. Đến nay thì cơ bản đã hoàn thành Gia phả của các Tiểu chi, của các Chi và của Dòng họ.
3. Lăng mộ Tổ Dòng họ Nguyễn Bằng
       Ông Nguyễn Bằng Minh, ông Nguyễn Bằng Đăng và người Cha đều là tướng cầm quân đánh giặc và hy sinh ở vùng xảy ra chiến sự. Ông Nguyễn Bằng Thành, ông Nguyễn Bằng Đạt cùng con cháu ở làng Xuân Đình, xã Nghi Thạch đã cùng Triều đình Nhà Nguyễn ở Huế phối hợp đi tìm mộ (nhiều lần) của Ông, Cha, Chú nhưng không tìm được. Triều đình đã cử quan Đại thần kết hợp với họ tộc, lập đàn chiêu hồn trợ táng, chôn cất ở Cồn Yêu Nước, xã Nghi Thạch từ trước năm 1849 (1849 là năm làm nhà thờ).
4. Tộc ước của Dòng họ Nguyễn Bằng
        Tộc ước của Dòng họ Nguyễn Bằng đã soạn thảo năm 1999. Đến năm 2008 thì được sửa đổi bổ sung để thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế (Có bản trích kèm theo)
II. Phát huy các truyền thống tốt đẹp của Dòng họ Nguyễn Bằng
       Cũng như các dòng họ khác của Dân tộc Việt Nam, Dòng họ Nguyễn Bằng ở tại làng Xuân Đình, xã Nghi Thạch có các truyền thống tốt đẹp hình thành, lưu truyền, gìn giữ… từ lúc khai sáng Họ tộc, được duy trì, phát huy qua các đời con cháu kế tục, đó là: Truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học và truyền thống đoàn kết, nhân ái.
1. Phát huy truyền thống yêu nước
        Qua các giai đoạn đổi thay, phát triển của quê hương đất nước, thời kỳ nào Dòng họ Nguyễn Bằng cũng có những người con ưu tú cống hiến, phục vụ cho dân tộc, cho đất nước được ghi nhận trong các lĩnh vực quân sự, chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục, y tế…
        Vào cuối thế kỷ XVIII (thời khởi nguồn dòng họ) có các tướng lĩnh cầm quân đánh dẹp quân phiến loạn và đánh quân Xiêm như Đức Thủy tổ Họ Nguyễn Bằng, cùng các con là ông Nguyễn Bằng Minh, ông  Nguyễn Bằng Đăng…
        Vào đầu đời Nhà Nguyễn có các tướng lĩnh Triều đình như ông Nguyễn Bằng Thành, ông Nguyễn Bằng Đạt, ông Nguyễn Bằng Hồng, ông Nguyễn Bằng Cau, ông Nguyễn Bằng Lộc…
        Trong thời Nguyễn, có ông Nguyễn Bằng Thợn được phong làm quan trong Triều đình Huế (gọi là Quan Chánh Thợn), ông Nguyễn Bằng Niên được Triều đình Nhà Nguyễn phong quan (gọi là Quan Thắc). Ông Nguyễn Bằng Xan  (Lý Xan) được cử làm lý trưởng của làng qua nhiều năm, làm được rất nhiều việc ích nước lợi dân (theo lời kể của các cụ cao niên).
        Thời kỳ 1930 – 1931, có ông Nguyễn Bằng Khánh tuy còn ít tuổi nhưng đã làm liên lạc cho Cách mạng, kết nạp vào Đảng năm 1936, là Lão thành cách mạng (nguyên là phó Ty Lâm nghiệp Nghệ An và đảm đương nhiều chức vụ khác).
        Tham gia và hoạt động sau Cách mạng Tháng 8/1945 có các ông: ông Nguyễn Bằng Vững ( nguyên là Công an trưởng xã Hợp Châu), ông Nguyễn Bằng Nguyên (nguyên là Bí thư  Huyện ủy Nghi Lộc, Bí thư Đảng ủy UBND tỉnh Nghệ An), ông Nguyễn Bằng Thung  (cán bộ ngành thương nghiệp), ông Nguyễn Bằng Kính và bà Nguyễn Thị Học (là chiến sĩ nông nghiệp từ 1954 đến 1958), bà Nguyễn Thị San (nguyên trưởng phòng tổ chức UBHC huyện Nghi Lộc, trưởng phòng Bà mẹ trẻ em, phó phòng Giáo dục huyện Nghi Lộc) , ông Nguyễn Bằng Trung (31 năm làm cán bộ chủ trì xã, nguyên là bí thư Đảng ủy xã Nghi Thạch)… Ông Nguyễn Bằng Thuận, ông Nguyễn Bằng Ất là liệt sĩ chống Pháp. Có nhiều gia đình hoạt động cống hiến cho Cách mạng giải phóng dân tộc, cả chồng và vợ tham gia dân công hỏa tuyến, thượng Lào… như vợ chồng ông Nguyễn Bằng Viêng, Nguyễn Bằng Gấm, Nguyễn Bằng Tiến, Nguyễn Bằng Long, Nguyễn Bằng Lô…     
        Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước có rất nhiều người tham gia chiến đấu giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhiều người là sĩ quan quân đội, điển hình như Đại tá thương binh Nguyễn Bằng Hiến (nguyên là tham mưu phó, quyền tham mưu trưởng Quân đoàn II, giám đốc Trường bắn quốc gia, chính ủy Sư đoàn 325 QĐNDVN)… Nhiều người đã hy sinh ở các chiến trường như các liệt sĩ Nguyễn Bằng Bạng, Nguyễn Bằng Miên, Tộc trưởng Nguyễn Bằng Liên, Nguyễn Bằng Sơn, Nguyễn Bằng Duy (ở Diễn quảng, Diễn Châu), Nguyễn Bằng Tường ( chiến trường Lào), Nguyễn Bằng Ba (chiến trường Căm pu chia) … Có các thương bệnh binh nặng như Nguyễn Bằng Hiến, Nguyễn Bằng Mạnh, Nguyễn Bằng Quyền, Nguyễn Bằng Vương, Nguyễn Bằng Lượng, Nguyễn Bằng Hùng …
Lễ đón bằng công nhận Dòng họ Văn hóa
Họ Nguyễn Bằng tổ chức Lễ đón bằng Công nhận dòng họ văn hóa

        Khi đất nước có chiến tranh, tất cả gia đình trong Dòng họ đều động viên và cử con cháu đi nghĩa vụ quân sự . Bình quân một gia đình có một người là bộ đội . Đặc biệt như gia đình ông Nguyễn Bằng Oai có 5 người con tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ngoài mặt trận, 2 người đã hy sinh và 1 người là thương binh nặng . Bà Nguyễn Thị Oai (vợ ông Nguyễn Bằng Oai) là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.                                                       
       Trong công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh và công cuộc đổi mới hiện nay có ông Nguyễn Bằng Toàn (nguyên là Bí thư Huyện ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, là Tỉnh ủy viên, đại biểu HĐND tỉnh, Giám đốc sở Lao động TBXH tỉnh Nghệ An), ông Nguyễn Bằng Dũng (Hiện là Phó BT Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện) và có nhiều cán bộ, công chức… đã về hưu và đang công tác trong các ngành, lĩnh vực trên mọi miền đất nước.
2. Phát huy truyền thống hiếu học
       Con cháu Dòng họ Nguyễn Bằng đã phát huy được truyền thống hiếu học của ông cha. Tính từ hòa bình lập lại (năm 1954), dòng họ Nguyễn Bằng đã có những tấm gương tiêu biểu : bà Nguyễn Thị Hiếu (con ông Nguyễn Bằng Đống) được tặng Huy hiệu Bác Hồ về tinh thần vượt khó tự học (năm 1955), bà Nguyễn Thị Liên (con ông Nguyễn Bằng Khánh) là người đầu tiên của xã Nghi Thạch thi đậu vào Đại học chính qui (Đại học Y)… Đến năm 2012, với chỉ hơn 40 hộ gia đình trong dòng họ đã có 6 người là thạc sĩ, 1 người đang nghiên cứu luận án tiến sĩ quản lý kinh tế, 5 người đang học cao học, 35 người có trình độ đại học cao đẳng, 14 người đang học đại học…
3. Truyền thống đoàn kết nhân ái
       Dòng họ Nguyễn Bằng từ xưa đến nay luôn giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau giữa các thành viên gia đình trong họ tộc cũng như đối với bà con trong cộng đồng dân cư.
       Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, cũng như trong công cuộc tái thiết xây dựng đất nước, tuy trong đời sống gặp muôn vàn khó khăn về kinh tế nhưng các thế hệ của dòng tộc luôn là những tấm gương về sự chia ngọt sẻ bùi, nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ nhau tận tình trong khó khăn hoạn nạn cũng như trong đời sống, tham gia các hoạt động từ thiện . Tiêu biểu như các gia đình ông Nguyễn Bằng Tám, ông Nguyễn Bằng Quớn, ông Nguyễn Bằng Đợi, Nguyễn Bằng Đống, ông Nguyễn Bằng Kính, Nguyễn Bằng Vững, ông Nguyễn Bằng Oai, ông Nguyễn Bằng Linh, ông Nguyễn Bằng Viêng, ông Nguyễn Bằng Tiến, ông Nguyễn Bằng Toàn vv…

4. Các hoạt động hằng năm của Dòng họ tại Nhà thờ
- Gia đình Tộc trưởng thắp hương hàng ngày.
- Các gia đình trong Họ tộc thắp hương Mồng Một và Rằm hàng tháng (âm lịch), các ngày lễ trong năm.
- Giỗ Tổ vào ngày 05/5 âm lịch hằng năm, tất cả các thành viên trong họ tộc tham gia. Sau phần lễ là phần hội tổng kết 1 năm của Họ tộc, báo cáo thu chi quĩ, công bố hoạt động khuyến học, trao quà khuyến học…
- Sáng mồng Một Tết Nguyên đán, các gia đình trong dòng họ đến thắp hương và chúc mừng năm mới ở Nhà thờ Đại tôn. Sau đó về các Nhà thờ tiểu chi để thắp hương và chúc mừng năm mới ở nhánh họ mình (theo qui định của Tộc ước từ năm 2008)./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

maps 1
Dịch vụ công trực tuyến
Công báo nghệ an
Thư điẹn tử
Thông tin người phát ngôn
Thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật
Thông tin doanh nghiệp, cơ hội đầu tư
Thông tin các dự án và các hạng mục đầu tư
Quản lý văn bản
Thống kê
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay3,261
  • Tháng hiện tại27,357
  • Tổng lượt truy cập1,000,791
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây